Truy cập nội dung luôn

 

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử TRUNG TÂM Y TẾ THÀNH PHỐ MỸ THO

Chi tiết tin

Ngày thế giới phòng chống Lao
22/03/2018

NGÀY THẾ GIỚI CHỐNG LAO

1. TẠI SAO CHỌN NGÀY 24-3  LÀ NGÀY THẾ GIỚI CHỐNG LAO.

- Ngày  24 -3-1882 nhà  Bác học Robert Koch người Đức công bố tìm ra vi trùng lao là nguyên nhân gây ra bệnh lao.

- Năm 1982  Hiệp hội Liên minh quốc tế chống lao và bệnh phổi đề xuất chọn ngày  24 tháng 3 làm ngày quốc tế chống lao.

- Đến năm 1996 WHO mới công nhận lấy ngày 24 tháng 3 hàng năm làm ngày Thế Giới chống lao.

2. TẦN SUẤT MẮC LAO Ở VIỆT NAM VÀ TẠI TP MỸ THO.

Tần suất mắc bệnh lao của Việt Nam đứng hàng thứ 13 Thế giới ,và đứng thứ 3 tại châu Á.Tại TP Mỵ Tho năm 2017, Tổ chống lao thu nhận điều trị 326 bệnh nhân,trong số này có 191 bệnh nhân lao phổi có vi khuẩn lao trong  đàm là nguồn lây lan bệnh cho người tiếp xúc nếu không được chửa trị đúng phương pháp.

3. LÀM SAO ĐỂ PHÒNG TRÁNH BỆNH LAO CHO GIA ĐÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG.

a. Khi gia đình có người mắc bệnh lao phổi:

Tất cả mọi người sống chung nhà không ăn uống chung, không dùng chung đồ dùng với bệnh nhân ( Thức ăn có thể nấu chung nhưng phải múc riêng phần cho bệnh nhân ). Người bệnh phải mang khẩu trang thường xuyên, ngủ riêng, khi có ho khạc phải che miệng lại và dùng giấy vệ sinh lau chùi để trong vật chứa riêng, sau đó đem đốt cháy hết rồi cho vào bồn cầu dội nước cho sạch.

b. Bạn bè, người tiếp xúc thân mật, thường xuyên trước đây với bệnh nhân:

Khi biết được mình có bạn bè người thân mắc bệnh lao phổi và trước đó ta có tiếp xúc thân mật ăn uống chung, ngủ chung…Nếu có điều kiện ta nên chụp Xquang phổi  để phát hiện sớm bệnh lao và có biện pháp phòng tránh thích hợp,có thể gặp Bs chuyên khoa lao để được hỗ trợ  tư vấn thêm.

      Chúng ta không kỳ thị nhưng chúng ta phải có biện pháp phòng tránh lây bệnh cho bản thân và người bệnh phải có trách nhiệm giữ vệ sinh đúng chuyên môn y tế để tránh lây lan bệnh cho công đồng.

c. Không phải tất cả ai tiếp xúc với người bệnh lao phổi là  đều mắc bệnh lao:

        Người lành khi tiếp xúc bệnh nhân lao phổi có vi khuẩn lao trong đàm sẽ trở thành người nhiễm lao nhưng chỉ có từ 5 -10 % trong số người này sẽ phát triển thành bị bệnh lao. Tuy nhiên nếu chúng ta tiếp xúc nhiều lần, tiếp xúc “thân mật” thường xuyên trong khoảng thời gian lâu dài thì nguy cơ trở thành bệnh nhân lao là điều  khó tránh khỏi trong tương lai gần. Nếu chúng ta bị suy giảm miễn dịch, suy dinh dưỡng, lao động quá sức. Ví dụ như bị bệnh Tiểu đường mà không chửa trị tốt. Bị bệnh lý miễn dịch. Viêm loét dạ dày mạn tính, nghiện thuốc lá, nghiện rượu. đó  là các yếu tố thuận lợi cho bệnh lao phát triển

d. Biện pháp hiệu quả nhất để tránh lây lan bệnh lao là phát hiện sớm và chữa trị đúng phương pháp sẽ giúp cho bệnh nhân mau lành bệnh, giảm tử vong, ngăn ngừa kháng thuốc và cuối cùng là xóa bỏ bệnh lao ra khỏi cộng đồng xã hội.

4. BỆNH LAO PHỔI LÂY LAN BẰNG CÁCH NÀO ? VÀ KHI NÀO TA CẦN XÁC ĐỊNH MÌNH CÓ BỊ BỆNH LAO HAY KHÔNG .

- Bệnh lao phổi lây lan cho người : qua đường không khí, vi khuẩn lao có trong hơi thở, nước bọt, đàm nhớt của người bệnh, khi bệnh nhân ho, khạc, hắt hơi nhảy mũi …khi đó vi trùng sẽ được phát tán bay xa khoảng 2m. Người lành trong phạm vi này sẽ hít vi khuẩn lao vào phổi và trở thành người nhiễm lao. Và có 5-10% trong số người này sẽ phát triển thành bị bệnh lao, diễn tiến đến mắc bệnh lao sẽ tăng cao hơn nếu chúng ta  thường xuyên tiếp tục nhận vi trùng lao từ bệnn nhân, hoặc chúng ta bị suy giảm sức đề kháng do bị bệnh tiểu đường, viêm loét dạ dày mạn tính, ăn uống không đủ chất dinh dưỡng, nghiện rượu, nghiện thuốc lá, lao động nặng nhọc, làm việc trong môi trường ô nhiễm, độc hại….)

- Khi nào ta phải xác định mình có bị bệnh lao hay không?

- Khi ta có người thân trong gia đình bị bệnh lao phổi hoặc ta tiếp xúc nhiều “thân mật”  với bệnh nhân lao phổi. (thân mật nghĩa là ăn chung  ngủ chung…)

- Khi  có những triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh lao: Bị ho hoặc khạc đàm kéo dài từ 2 tuần trở đi và hoặc có kèm theo 1 trong các triệu chứng sau: sốt hoặc ớn lạnh về chiều (cũng có khi ban đêm hoặc buổi xế trưa), giảm cân không rõ nguyên nhân, đau tức ngực lưng (sau vai chỗ với tay không chạm tới), ho ra máu hay trong đàm nhớt có chút máu. Chú ý nếu có ho khạc đàm có máu ta phải khẩn trương chụp Xquang phổi ngay để phát hiện sớm bệnh lao.

5.CÁC CẬN LÂM SÀNG QUAN TRỌNG GIÚP XÁC ĐỊNH BỆNH LAO.

5.1. Tìm vi khuẩn lao trong đàm nhớt,nước bọt: bằng nhuộm soi tươi hay nuôi cấy.Đặc biệt hiện nay có Phương pháp mới Xpert  thì tỷ lệ phát hiện vi trùng lao trong đàm đạt trên  90%  mức độ nhạy và chính xác ( Bv Lao và Bệnh phổi Tiền Giang đang thực hiện).

5.2. Xquang phổi ( Hoặc CT ): Giúp phát hiện sớm bệnh lao, với các tổn thương đặc trưng:nốt, hay đám mờ thâm nhiểm thường có ở đỉnh hay nửa trên của phổi. Đặc biệt tổn thương dạng hang lao, hay dạng hạt kê.

5.3. Sinh thiết và xét nghiệm giải phẫu bệnh tại các tổn thương nghi lao: hạch, màng phổi-phổi, da, mạc treo ruột…

6. PHÂN LOẠI  BỆNH LAO .

        Bệnh lao được chia làm 2 loại : Lao phổi và lao ngoài phổi.

A. Lao phổi chiếm 80 %, chiếm đa số bênh lao và đây là nguồn lây truyền bệnh cho cộng đồng.

B.Lao ngòai phổi chiếm 20 % hầu như ít có khả năng lây bệnh cho người khác nếu không có sự tiếp xúc trực tiếp với bệnh phẩm. (bao gồm: Lao hạch, lao màng phổi, lao da, lao ruột, lao hạch mạc treo, lao màng não …).

7. QUẢN LÝ VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH LAO THEO CHƯƠNG TRÌNH CHỐNG LAO QUỐC GIA .

A. Phác đồ điều trị : có 2 phác đồ

Phác đồ 1 : dành cho bệnh nhân  lao mới mắc bệnh lần đầu gồm có:

                         2E(s)HRZ / 4RHE. ( thời gian 6 tháng )

Phác đổ 2 : dành cho bệnh nhân lao tái phát,thất bại, cũ khác gồm có

                        2.SHRZE /1.HRZE  /5. RHE

(Thời gian là 8 tháng, nhưng 5 tháng củng cố tuần chỉ uống thuốc 3 ngày (thứ 2-4-6 )).

B. Quản lý:

- Đầu tiên bệnh nhân được xác định có bị bệnh lao và phân loại bệnh, chỉ định phác đồ điều trị, được Tổ chống lao huyện, thành phố lập hồ sơ bệnh án thu dung điều trị theo hộ khẩu tại địa phương cư trú. Kế tiếp bệnh nhân được chuyển về Trạm y tế xã, phường vả được cấp thuốc uống mỗi ngày, được theo dõi diễn tiến bệnh, tác dụng phụ của thuốc lao (nếu có xảy ra và xử lý thích hợp) trong suốt thời gian điều trị.

- Xét nghiệm kiểm soát đàm nhớt, nước bọt tìm vi trùng lao bắt buộc phải thực hiện 3 lần: Thời điểm là vào cuối tháng thứ 2, cuối tháng thứ 4 và cuối tháng thứ 6 ( cho phác đồ 1( hoặc cuối tháng thứ 3, cuối tháng thứ 5 và cuối tháng thứ 8 cho phác đồ 2).

- Thực hiện vãng gia bệnh nhân lao mỗi tháng 1 lần, CBCT lao đến nhà bệnh nhân lao đang điều trị giám sát việc thực hiện vệ sinh phòng tránh lây bệnh cho gia đình và cộng đồng, phát hiện người có triệu chứng nghi lao trong gia đình bệnh nhân để giới thiệu họ đến tổ chống lao để khám phát hiện sớm bệnh lao và chửa trị kịp thời.

- Những trường hợp bệnh cần thiết phải được theo dõi tại Tổ chống lao sẽ do Bs của Tổ chống lao quyết định.

8.PHÒNG  NGỪA .

- Tiêm ngừa BCG cho trẻ sơ sinh

- Uống thuốc dự phòng lao cho trẻ dưới 5 tuổi  sống chung nhà bệnh nhân lao phổi. (bệnh nhân lao phổi khi đăng ký điều trị sẽ khai báo nếu có trẻ dưới 5 tuổi sống chung, gia đình sẽ làm cam kết và làm hồ sơ bệnh án cho trẻ, nhận thuốc INH cho trẻ uống mỗi ngày, thời gian 6 tháng.

9.MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ BỆNH LAO :

9.1 Lao da (Lao ngoài phổi):

​      
(Ảnh: Trước khi điều trị)

  
(Ảnh: Sau khi điều trị 3 tháng)

9.2 Tác dụng phụ của thuốc lao:

BS.CKI: Nguyễn Tấn lập
(Trưởng khoa Liên chuyên khoa)