Truy cập nội dung luôn

 

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử TRUNG TÂM Y TẾ THÀNH PHỐ MỸ THO

Chi tiết tin

Tình hình quảng cáo thực phẩm hiện nay và những qui định về quảng cáo thực phẩm
21/04/2020

 

            Kinh tế nước ta đang phát triển theo nền kinh tế thị trường. Một nền kinh tế có sự cạnh tranh gay gắt, khốc liệt.  Một trong những yếu tố ảnh hưởng tới sự thành công hay thất bại trên của các doanh nghiệp là hoạt động quảng cáo. Trong nhiều năm qua, do thị trường canh tranh vô cùng khốc liệt, cho nên hoạt động quảng cáo đã diễn ra với nhiều hình thức khác nhau đa dạng và phong phú, đặc biệt là việc quảng cáo thực phẩm chức năng. Hiện nay, tình trạng vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo thực phẩm chức năng (bao gồm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt) vẫn xảy ra, phổ biến là quảng cáo khi chưa được thẩm định nội dung của cơ quan có thẩm quyền hoặc quảng cáo không đúng với nội dung đã thẩm định.

            Tuy nhiên, điều đáng quan tâm ở đây là nhiều loại thực phẩm chức năng (một cách gọi khác là thực phẩm bảo vệ sức khoẻ) đang được “thần thánh hóa”, coi như là sản phẩm vạn năng, trị bách bệnh được quảng cáo rầm rộ trên rất nhiều kênh, trong đó, trên các trang website và mạng xã hội (Facebook, Zalo…) chiếm phần lớn nhằm lừa gạt người tiêu dùng.

            Thực tế, từ những quảng cáo quá mức về tính năng, tác dụng của các loại thực phẩm chức năng, thậm chí, người ta sẵn sàng mạo danh, mượn hình ảnh của cán bộ, nhân viên y tế đang làm việc tại bệnh viện, cơ sở y tế để gắn vào nội dung quảng cáo hoặc nhắn tin, gọi điện hoặc cung cấp các đường link website, Facebook, số điện thoại tổng đài giả mạo bệnh viện cho người bệnh nhằm mục đích quảng cáo thực phẩm chức năng.

            Với những chiêu trò tinh vi như vậy, không ít người đã bỏ khá nhiều tiền mua với niềm tin sẽ chưa khỏi bệnh, nhưng kết quả nhận được là sự thất vọng. Nguy hiểm hơn, vì tin và sử dụng thực phẩm chức năng như là thuốc nên rất nhiều bệnh nhân đã không đến cơ sở y tế để điều trị và bỏ lỡ thời điểm điều trị hiệu quả nhất, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và tính mạng của bản thân.

            Trước thực trạng trên, người tiêu dùng cần thận trọng, không nên mua các sản phẩm thực phẩm chức năng, dược phẩm… không rõ nguồn gốc, quảng cáo trên mạng xã hội, đặt biệt là những sản phẩm quảng cáo dưới hình thức dùng thư tín bệnh nhân, hình ảnh cơ sở y tế, danh nghĩa cơ quan y tế, hình ảnh bác sĩ, hoặc quảng cáo có công dụng chữa bệnh thần kỳ.

            Các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng chỉ mang tính hỗ trợ. Vì thế, tất cả những quảng cáo về công dụng thần kì, gây hiểu lầm là thuốc chữa bệnh đều là những quảng cáo "nổ" vi phạm quy định. Người dân cần thường xuyên theo dõi các thông tin, khuyến cáo để biết thông tin về những sản phẩm quảng cáo sai sự thật và không mua, sử dụng các sản phẩm này. Để bảo đảm an toàn sức khỏe và tính mạng của mình, người tiêu dùng không nên cả tin vào những bài đăng bán hàng chưa được kiểm định trên mạng xã hội từ những người bán hàng online và cần có ý thức tự giác, cẩn trọng khi mua các sản phẩm bảo vệ sức khỏe qua mạng. Đặc biệt là những loại thuốc cần có chỉ định của bác sĩ nếu không rất dễ chịu cảnh tiền mất, tật mang. Khi có bệnh hay đơn giản là muốn dùng thực phẩm chức năng bổ sung cần phải được bác sĩ kiểm tra, tư vấn kỹ càng. 

            Các nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm: cần tuân thủ các quy định về Quảng cáo thực phẩm tại chương VIII của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/02/2018 của Chính phủ Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm quy định:

            Điều 26. Các thực phẩm phải đăng ký nội dung trước khi quảng cáo

            1. Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt.

            2. Sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi không thuộc trường hợp cấm quảng cáo quy định tại Điều 7 của Luật quảng cáo.

            Điều 27. Đăng ký nội dung quảng cáo thực phẩm

            Việc đăng ký nội dung quảng cáo thực phẩm ngoài việc phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quảng cáo còn phải tuân thủ các quy định sau:

            1. Trước khi quảng cáo, tổ chức, cá nhân có sản phẩm quảng cáo phải đăng ký nội dung quảng cáo với cơ quan cấp Giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm theo quy định hiện hành.

            2. Nội dung quảng cáo phải phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm. Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.

            3. Đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe:

           a) Phải có khuyến cáo "Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh"; chữ viết phải rõ ràng, có màu tương phản với màu nền;

             b) Quảng cáo trên báo nói, báo hình phải đọc rõ khuyến cáo theo quy định tại điểm a khoản này;

            c) Việc quảng cáo trên báo hình, báo nói với thời lượng ngắn dưới 15 giây thì không phải đọc "Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh", nhưng phải thể hiện khuyến cáo trong quảng cáo.

            Đối với cơ sở, cá nhân vi phạm về quy định về quảng cáo thực phẩm sẽ bị xử phạt theo Điều 23. Nghị định 115/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm như sau:

            Điều 23. Vi phạm quy định về quảng cáo, thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm

            1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có nội dung khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.

            2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không cung cấp thông tin về an toàn thực phẩm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

            3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.

               4. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

            a) Phát hành tài liệu, ấn phẩm thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm không chính xác, không đúng sự thật;

            b) Đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng thông tin về an toàn thực phẩm không chính xác, không đúng sự thật./.

Người đăng: Trần Ngọc Ngân Hà
Th.Sĩ. YTCC
Khoa: ATVSTP