Truy cập nội dung luôn

 

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử TRUNG TÂM Y TẾ THÀNH PHỐ MỸ THO

Chi tiết tin

ĐẢM BẢO AN TOÀN THỰC PHẨM TẾT NGUYÊN ĐÁN GIÁP THÌN NĂM 2024
11/01/2024

ĐẢM BẢO AN TOÀN THỰC PHẨM TẾT NGUYÊN ĐÁN GIÁP THÌN NĂM 2024


Truyền thông an toàn thực phẩm

          Tết Nguyên đán Giáp Thìn đang đến gần nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng cao, kéo theo việc sản xuất, kinh doanh và vận chuyển các mặt hàng thực phẩm cũng tăng lên và nhộn nhịp. Bên cạnh nguồn hàng sản xuất tại địa phương thì đa phần hàng hoá trên thị trường được nhập từ các nước như: Trung Quốc, Singapo, Hàn Quốc, Thái Lan, … Do đó, đây là thời điểm mà nguy cơ không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm diễn biến phức tạp với nhiều mặc hàng không đảm bảo chất lượng, hàng giả, hàng nháy không rõ nguồn gốc,..tiềm ẩn những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng. Củng chính vì thế công tác công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp tết được đặc biệt quan tâm.

          Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân 2024, phục vụ nhân dân đón Tết, vui xuân an toàn, bảo đảm sức khỏe, đồng thời đảm bảo phát triển và cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố và người tiêu dùng thực phẩm cần thực hiện các biện pháp sau:

  1. Đối với các cơ sở sản xuất thực phẩm:

- Có địa điểm, diện tích thích hợp, có khoảng cách an toàn đối với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm và các yếu tố gây hại khác;

- Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm;

- Có đủ trang thiết bị phù hợp để xử lý nguyên liệu, chế biến, đóng gói, bảo quản và vận chuyển các loại thực phẩm khác nhau; có đủ trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện rửa và khử trùng, nước sát trùng, thiết bị phòng, chống côn trùng và động vật gây hại;

- Có hệ thống xử lý chất thải và được vận hành thường xuyên theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

- Duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và lưu giữ hồ sơ về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu thực phẩm và các tài liệu khác về toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm;

- Tuân thủ quy định về sức khoẻ, kiến thức và thực hành của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

- Nơi bảo quản và phương tiện bảo quản phải có diện tích đủ rộng để bảo quản từng loại thực phẩm riêng biệt, có thể thực hiện kỹ thuật xếp dỡ an toàn và chính xác, bảo đảm vệ sinh trong quá trình bảo quản;

- Ngăn ngừa được ảnh hưởng của nhiệt độ, độ ẩm, côn trùng, động vật, bụi bẩn, mùi lạ và các tác động xấu của môi trường; bảo đảm đủ ánh sáng; có thiết bị chuyên dụng điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm và các điều kiện khí hậu khác, thiết bị thông gió và các điều kiện bảo quản đặc biệt khác theo yêu cầu của từng loại thực phẩm;

- Không sử dụng phụ gia, phẩm màu độc hại trong sản xuất, chế biến thực phẩm; Đảm bảo đầy đủ các điều kiện vệ sinh ATTP như: Các điều kiện về cơ sở vật chất, điều kiện về trang thiết bị dụng cụ và điều kiện về con người tham gia sản xuất, chế biến, tiếp xúc với thực phẩm; Đảm bảo có đầy đủ các hồ sơ pháp lý, tài liệu liên quan theo quy định ATTP; đảm bảo thực hiện tốt quy chế nhãn mác; các quy định về bảo quản, vận chuyển thực phẩm.

2. Đối với các cơ sở kinh doanh thực phẩm

- Chỉ kinh doanh những loại thực phẩm có ngồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, thực phẩm bao gói sẵn phải có bản tự công bố, đăng ký công bố sản phẩm, thực phẩm nhập khẩu phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt.

- Tuyệt đối không buôn, bán hàng thực phẩm giả, kém chất lượng.

- Chú ý các điều kiện bảo đảm an toàn trong bảo quản tại kho hàng, cửa hàng và trong quá trình vận chuyển lưu thông.

- Đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn phải bảo đảm các điều kiện sau: Tuân thủ quy định về ghi nhãn thực phẩm; Tuân thủ các điều kiện về bảo đảm an toàn đối với dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm, điều kiện về bảo đảm ATTP trong bảo quản thực phẩm; Bảo đảm và duy trì vệ sinh nơi kinh doanh; Bảo quản thực phẩm theo đúng hướng dẫn của tổ chức, cá nhân sản xuất.

- Đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm đã qua chế biến không bao gói sẵn phải bảo đảm các điều kiện sau: Có biện pháp bảo đảm cho thực phẩm không bị hỏng, mốc, tiếp xúc với côn trùng, động vật, bụi bẩn và các yếu tố gây ô nhiễm khác; Rửa sạch hoặc khử trùng các dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm trước khi sử dụng đối với thực phẩm ăn ngay; Có thông tin về xuất xứ và ngày sản xuất của thực phẩm.

3. Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống

- Bếp ăn được bố trí bảo đảm không nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã qua chế biến.

- Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ việc chế biến, kinh doanh.

- Có dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải bảo đảm vệ sinh (thùng rác phải có nắp đậy)

- Cống rãnh ở khu vực cửa hàng, nhà bếp phải thông thoát, không ứ đọng.

- Nhà ăn phải thoáng, mát, đủ ánh sáng, duy trì chế độ vệ sinh sạch sẽ, có biện pháp để ngăn ngừa côn trùng và động vật gây hại.

- Có dụng cụ, đồ chứa đựng riêng cho thực phẩm sống và thực phẩm chín.

- Dụng cụ nấu nướng, chế biến phải bảo đảm an toàn vệ sinh nên dùng dụng cụ bằng inox.

- Dụng cụ ăn uống phải được làm bằng vật liệu an toàn, rửa sạch, giữ khô.

- Tuân thủ quy định về sức khoẻ, kiến thức và thực hành của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

- Sử dụng thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm phải rõ nguồn gốc và bảo đảm an toàn, lưu mẫu thức ăn.

- Thực phẩm phải được chế biến bảo đảm an toàn, hợp vệ sinh.

- Thực phẩm bày bán phải để trong tủ kính hoặc thiết bị bảo quản hợp vệ sinh, chống được bụi, mưa, nắng và sự xâm nhập của côn trùng và động vật gây hại; được bày bán trên bàn hoặc giá cao hơn mặt đất.

- Thực hiện kiểm thực ba bước và lưu mẫu thức ăn đúng quy định (bán trên 30 suất ăn/1 lần phục vụ)

4. Đối với kinh doanh thức ăn đường phố, quầy ẩm thực ở các chợ, khu vực lễ hội

- Nơi bày bán phải cách biệt nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm.

- Phải được bày bán trên bàn, giá, kệ, phương tiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, mỹ quan đường phố.

- Nguyên liệu để chế biến phải bảo đảm an toàn thực phẩm, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

- Dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm phải bảo đảm an toàn vệ sinh.

- Bao gói và các vật liệu tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không được gây ô nhiễm và thôi nhiễm vào thực phẩm.

- Có dụng cụ che nắng, mưa, bụi bẩn, côn trùng và động vật gây hại.

- Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ việc chế biến, kinh doanh.

- Tuân thủ quy định về sức khoẻ, kiến thức và thực hành đối với người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

5. Đối với người tiêu dùng

Chọn mua thực phẩm an toàn:

+ Đối với thực phẩm bao gói sẵn: Không mua sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng; không mua thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh mất vệ sinh, không bảo đảm an toàn; đọc nhãn sản phẩm thực phẩm; đối với thực phẩm nhập khẩu phải có nhãn phụ ghi rõ thông tin cơ sở và địa chỉ cơ sở nhập khẩu, tên thực phẩm, thành phần thực phẩm, ngày sản xuất, hạn sử dụng,….

+ Đối với thực phẩm tươi sống:

      Nhóm ngũ cốc nguyên hạt: các loại như gạo tẻ, gạo nếp, đậu xanh, đậu đen và nhóm hạt cung cấp chất béo như lạc, vừng… Nên chọn các loại hạt khô, không bị ẩm mốc, không bị mọc mầm, không có các loại mọt, sạn, hay tạp chất khác; màu sắc tự nhiên không bị biến đổi; 

     Thịt lợn (thịt heo): Nên chọn thịt tươi có lớp màng khô, có màu đỏ tươi, bề mặt hơi se lại. Mặt cắt miếng thịt có màu hồng sáng, da trắng hồng, mềm mại. Phần mỡ có màu sáng, chắc, có mùi thơm đặc trưng. Bề mặt thịt và mỡ không có các đám xuất huyết tụ lại, không có các nốt sần. Tủy xương bám chặt vào thành ống và trong suốt. Lấy ngón tay ấn vào thịt rồi buông ra thì thấy không để lại dấu tay, thớ thịt đàn hồi nhanh và có màu đỏ hồng.

     Thịt gà và các loại gia cầm khác: Nên chọn con khỏe mạnh, mào đỏ tươi, hai cánh ép sát mình, lông trơn mượt,... Khi mua gà, vịt đã làm lông, cắt tiết, phải chọn con nào da còn trơn nhờn, thịt không có mùi khác lạ, mặt ngoài của thịt hơi khô ráo, không có cảm giác dính, dùng ngón tay đè mạnh xuống thịt lập tức đàn hồi trở lại.

     Cá, hải sản:  Chọn cá tươi vảy cá phải xếp đều, trắng, không bong tróc. Mang cá khép chặt, mang cá màu hồng tươi, mắt cá to, sáng trong, hơi lồi ra ngoài. Chất nhờn trên thân cá phải trong, nhớt và không có mùi lạ, dùng tay ấn vào không để lại vết lõm. Đối với hải sản nên mua hải sản sống.

     Rau, củ, quả: Nên chọn rau, quả tươi còn nguyên cuống, không dập nát, không có những đốm màu khác lạ trên bề mặt. Màu sắc tự nhiên đặc trưng của từng loại rau, củ, quả. Không có mùi lạ. Cách bảo quản rau tốt nhất là để ở ngăn tủ mát. Rau nên nhặt sạch, bỏ lá giập, rửa dưới vòi nước nhiều lần, để ráo và cho vào túi nylon buộc chặt để ăn dần.

- Thực hiện 10 nguyên tắc vàng trong bảo quản và chế biến thực phẩm:

+ Chọn thực phẩm an toàn.

+ Nấu kỹ trước khi ăn.

+ Ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín.

+ Bảo quản cẩn thận thực phẩm đã nấu chín.

+ Đun kỹ lại thực phẩm trước khi ăn.

+ Không để lẫn thực phẩm sống và chín.

+ Luôn giữ tay sạch sẽ khi chế biến thực phẩm.

+ Luôn giữ bề mặt chế biến, bếp luôn khô ráo, sạch sẽ.

+ Bảo vệ thực phẩm khỏi sự xâm nhập của các loại côn trùng, loại gặm nhấm và các loại động vật khác.

+ Sử dụng nguồn nước sạch.

         Để vui xuân, đón tết an toàn bảo vệ sức khỏe và phòng tránh ngộ độc thực phẩm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố và người tiêu dùng cần tuân thủ và thực hiện đúng các quy định về an toàn thực phẩm.

Người viết bài:Ths.Trần Ngọc Ngân Hà
Khoa YTCC-ATTP. TTYT TPMT